Bức tranh lợi nhuận 'đa sắc' giữa các ngân hàng trong quý 2

 Các ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận là VCB, VIB, BID, STB..., tuy nhiên không ít nhà băng được dự báo sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ như ACB, TPB, TCB...

Những kết quả trái chiều

Chỉ vài ngày nữa, báo cáo tài chính quý 2 của các doanh nghiệp nói chung và các nhà băng nói riêng sẽ dần dần được hé lộ. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng được cho là khó sáng trong bối cảnh hiện nay, khi mà lãi suất đứng trước áp lực giảm, nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang khá yếu.

Theo ước tính của SSI Research, từ tính toán của 32 công ty trong phạm vi nghiên cứu, nhóm ngân hàng cho thấy sự đối chiều trong tăng trưởng lợi nhuận giữa các nhà băng. Với 11 mã ngân hàng trong rổ nghiên cứu của SSI, có tới 4 đơn vị, tương đương hơn 36% nhà băng kinh doanh kém tích cực hơn khi so với cùng kỳ.

Các ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận bao gồm: BID, CTG, HDB, STB, VCB và VIB. Đứng đầu là STB với dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 53-76% so với cùng kỳ đạt 2-2,3 ngàn tỷ đồng, hoàn thành 46-50% kế hoạch, tăng trưởng tín dụng đạt 5% so với đầu năm. 



Tiếp đó là VCB với ước tính lợi nhuận trước thuế tăng 38% so với cùng kỳ, đạt khoảng 10-10,3 ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3% so với đầu năm, tăng trưởng huy động duy trì ổn định khoảng 6% so với đầu năm, cùng đó chất lượng tài sản ổn định.

Các ngân hàng còn lại, BID được dự báo lợi nhuận trước thuế tăng 7% so với cùng kỳ 2022, CYG khoảng 7-13% hay HDB từ 1-12%.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà băng khá khó khăn khi ước tính lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể, ACB giảm từ 4-10%, đạt 4,4-4,7 ngàn tỷ đồng; TCB giảm khoảng 20% đạt 5,5-5,8 ngàn tỷ đồng;TPB giảm khoảng 21-25% vơi 1,6-1,7 ngàn tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch đề ra. 

Sự phân hoá về lợi nhuận là điều khó tránh khỏi khi những nhà băng có chất lượng tài sản tốt, tăng trưởng tín dụng ổn định, nợ xấu được kiểm soát tốt luôn chiếm ưu thế.

Kỳ vọng giai đoạn cuối năm

Với mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế, quý 2, Chính phủ đã có nhiều quyết sách mới kích thích tăng trưởng, trong đó phải nói đến động thái liên tiếp giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Quý 2 là thời điểm các chính sách lãi suất bắt đầu được thực hiện mạnh mẽ, lãi suất huy động giảm dần trên nền lãi suất cho vay giảm tương đối ít, nên đây cũng là nguyên nhân hỗ trợ cho các ngân hàng trong quý 2.

Dù vậy, CASA lại có xu hướng giảm, thu hẹp NIM càng rõ ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, cùng đó là áp lực nợ xấu, áp lực trích lập dự phòng hay rủi ro với cho vay bất động sản, trái phiếu... đã làm khó hơn cho các tổ chức tín dụng.

Bước sang hai quý cuối năm, ngành ngân hàng được nhận định sẽ tích cực hơn. Đó là khi các chính sách của Chính phủ dần được ngấm vào nền kinh tế. Áp lực vĩ mô từ bên ngoài và bên trong được giảm bớt.

Đặc biệt, mới đây nhất, NHNN vừa quyết định nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng từ 11% (đặt ra vào tháng 3/2023) lên 14%, càng cho thấy quyết tâm của nhà điều hành trong mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống kỳ vọng sẽ được tăng lên so với dự báo trước đây.

Nói về thế mạnh ngành ngân hàng hai quý cuối năm, VNDirect đưa ra ba luận điểm: Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi nhờ lãi suất điều hành cắt giảm và chính sách tài khóa mở rộng; thứ hai, thuế VAT giảm kích cầu tiêu dùng, từ đó kích cầu tín dụng và thứ 3, Thông tư 02 hỗ trợ giảm áp lực dự phòng cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng mạnh.

"Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ mở rộng và các hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Trong kịch bản này, ngành ngân hàng sẽ thể hiện rõ nhất sự phục hồi của nền kinh tế", các chuyên gia nhận định.


Comments (0)

Post a Comment